Ngày 26/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí số 44/2013/QH13 gồm 5 Chương, 80 Điều, quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách, vốn và tài sản của nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân…
Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật này là quy định việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành chỉ được thực hiện đối với công trình quan trọng quốc gia hoặc công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, việc sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi xã hội, phương tiện đi lại, phương tiện thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước… phải đúng mục đích, đúng đối tượng và không được vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; đồng thời phải thanh lý và nộp tiền thu được vào ngân sách Nhà nước đối với phương tiện đi lại không còn được sử dụng hoặc thu hồi trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi xã hội không được sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích…
Ngoài ra, Luật cũng yêu cầu việc tổ chức lễ hội và các hoạt động khác có sử dụng nguồn lực đóng góp của cộng đồng phải bảo đảm tiết kiệm, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, giữ gìn thuần phong, mỹ tục, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, lành mạnh, tránh lãng phí. Tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định này, gây ra lãng phí phải thực hiện giải trình trước cộng đồng dân cư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cơ quan thông tin đại chúng và cơ quan quản lý chuyên ngành nơi diễn ra hoạt động tổ chức…
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014; thay thế Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 48/2005/QH11.
Online: 23
Ngày: 298Tháng: 8180
Tổng: 210915